Thông tin trên được ông ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết xoay quanh việc tăng giá điện thêm 8,36% trong cuối tháng 3 này lên mức bán lẻ bình quân lên gần 1.850 đồng/kWh.
Theo ông Tuấn, thống kê giá điện 25 nước 2018 (gồm cả các nước phát triển và đang phát triển), trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippine, Indonesia, Camphuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.
Cụ thể, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia.
“Nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 5/3), mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo người đứng đầu Cục Điều tiết điện lực, phương án giá điện được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24 năm 2017 của Chính phủ.
Theo đó, trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương đã dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh.
Bộ Công Thương cũng đã ban kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019, dự kiến cơ cấu các loại hình nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối.
Trong phương án tính giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1/2019.
Phương án tính giá điện 2019 cũng đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện như giá than nội địa, giá khí cung cấp cho các nhà máy điện, thuế bảo vệ môi trường với than và dầu, dự báo về tỷ giá giữa tiền đồng và các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật…
“Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô. Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Tuấn nói.
Vẫn theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
“Các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Bình luận